Hướng dẫn cách làm hệ thống tiếp địa chống giật, tiếp địa nối đất

Làm tiếp địa chống giật (hay còn gọi là nối đất, nối mát) là một biện pháp rất quan trọng để bảo vệ an toàn điện cho con người và thiết bị điện. Nó giúp dòng điện rò rỉ thoát xuống đất thay vì gây giật điện hoặc chập cháy. Dưới đây là hướng dẫn cách làm tiếp địa chống giật đơn giản và hiệu quả, phù hợp cho gia đình và các công trình nhỏ:

1. Chuẩn bị vật tư

  • Cọc tiếp địa: Dùng cọc thép mạ đồng dài 2.4m hoặc cọc bằng đồng đặc.

  • Dây tiếp địa: Dùng dây đồng trần hoặc dây cáp đồng bọc nhựa tiết diện tối thiểu 10mm² (M10) trở lên.

  • Hộp kiểm tra tiếp địa (hộp test): Để kiểm tra điện trở sau này.

  • Dụng cụ: Khuôn hàn hóa nhiệt, máy khoan, Búa, Kìm,...

Chọn vị trí đóng cọc tiếp địa an toàn điện​​​​​​​

2. Chọn vị trí đóng cọc tiếp địa

  • Chọn nơi đất ẩm (gần cây cối, chỗ có nước ngầm…). Tránh những nơi khô cằn, nhiều đá hoặc gần móng nhà, đường ống kim loại.
  • Nếu đất khô cứng, có thể đổ thêm hóa chất giảm điện trở GEM để tăng độ dẫn điện.

3. Thi công tiếp địa

  • Đào hố hoặc rãnh sâu 60-80cm, rộng 30-40cm.

  • Đóng cọc tiếp địa xuống đáy hố, đảm bảo cọc được đóng sâu hoàn toàn vào đất.

  • Kết nối dây tiếp địa với cọc tiếp địa bằng kẹp tiếp địa hoặc mối hàn hóa nhiệt. Đảm bảo mối nối chắc chắn, không bị lỏng lẻo.

  • Kéo dây tiếp địa qua ống nhựa PVC và dẫn đến vị trí cần tiếp địa cho thiết bị điện.

  • Lấp đất lại hố, nén chặt đất xung quanh cọc tiếp địa.

  • Kiểm tra điện trở tiếp địa. Điện trở tiếp địa yêu cầu <4 Ohm. Nếu điện trở cao thì đóng thêm cọc hoặc đổ hóa chất giảm điện trở GEM.

​​​​​​​Thi công tiếp địa an toàn điện

4. Lưu ý quan trọng:

  • Nên lắp thêm CB chống giật (ELCB) hoặc RCD để tăng cường khả năng bảo vệ.

  • Kiểm tra định kỳ hệ thống tiếp địa để đảm bảo hoạt động hiệu quả.

  • Những thiết bị cần nối đất gồm: Bếp từ, máy giặt, bình nước nóng, máy lạnh, tủ lạnh, lò vi sóng, máy rửa bát,… và các thiết bị điện khác có vỏ kim loại.